Chỉ Số Dow Jones Theo Thời Gian Thực

Wednesday, March 13, 2019

Vingroup muốn huy động 25.000 tỷ vốn ngoại qua chào bán cổ phiếu



Vingroup dự kiến huy động 25.000 tỷ đồng vốn ngoại thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ...



Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa công bố lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về một số nội dung quan trọng trong phát triển doanh nghiệp.
Cụ thể, Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup tổ chức lấy kiến cổ đông về phương án chào bán cổ phần riêng lẻ và phương án sử dụng vốn. Hội đồng quản trị Vingroup đề xuất việc chào bán cổ phần riêng lẻ lên tới 250 triệu cổ phiếu. Giá chào bán trên 100.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị huy động tối thiểu 25.000 tỷ đồng. Mức giá phát hành cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị quyết định. 
"Việc chào bán cổ phần của Vingroup là cần thiết nhằm giúp Vingroup có thêm nguồn vốn chủ sở hữu để đầu tư góp vốn vào công ty con, thanh toán các khoản nợ gốc, lãi các khoản vay đến hạn, bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của tập đoàn và các công ty con. Đồng thời, nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh của tập đoàn", tài liệu lấy ý kiến cổ đông của Vingroup nêu.
Số tiền 25.000 tỷ đồng huy động được Vingroup dự kiến rót 6.000 tỷ góp vốn vào Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast (3.000 tỷ), Công ty cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất Vinsmart (2.000 tỷ), Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ VinTech (1.000 tỷ). Vingroup dành 10.000 tỷ để trả các khoản gốc và lãi vay trong năm 2019. 
Ngoài ra, doanh nghiệp còn chi 4.000 tỷ làm dự án Vinhomes Imperia Hải Phòng (1.800 tỷ) và Star City Thanh Hoá (2.200 tỷ). Số còn lại 5.000 tỷ đồng dùng cho các hoạt động kinh doanh và cấp vốn ngắn hạn cho tập đoàn và các công ty con.
Về thời điểm chào bán, Vingroup dự kiến thực hiện trong 3 quý cuối năm 2019, tuỳ quyết định của Hội đồng quản trị. Như vậy, nếu thành công, đây là thương vụ huy động vốn ngoại lớn trên sàn chứng khoán Việt, khơi thông dòng chảy vốn ngoại vào Việt Nam.
Tại thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của Vingroup là 289.105 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 190.046 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Vingroup cũng lên tới 99.059 tỷ đồng. Vingroup là doanh nghiệp tư nhân Việt có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam hiện nay. 
Ngoài ra, trong đợt lấy ý kiến này, Vingroup còn trình cổ đông thay đổi một số ngành nghề kinh doanh, trong đó, loại bỏ lĩnh vực cổng thông tin và bổ sung chi tiết đối với ngành nghề đại lý môi giới, buôn bán nông lâm sản, nghiên cứu thị trường, dịch vụ lưu trú ngắn ngày.

Société Générale đã thoái vốn khỏi SeaBank



SeaBank trở thành ngân hàng 100% vốn nội với cơ cấu cổ đông trong nước chiếm tuyệt đối...




Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeaBank) vừa có báo cáo cập nhật cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp. Theo đó, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp đã có sự thay đổi lớn. Đối tác chiến lược của SeaBank là Tập đoàn Société Générale đến từ Pháp đã không còn xuất hiện trong danh sách cổ đông lớn của ngân hàng.
Cụ thể, với sự rút lui của Tập đoàn Société Générale, SeaBank chính thức trở thành doanh nghiệp 100% vốn nội. 
Trước đó, năm 2008, đối tác này đầu tư và sở hữu 15% vốn của SeABank sau đó nâng sở hữu lên 20% - mức trần room ngoại của nhà băng này. 
Trước khi thoái vốn, cổ đông Pháp đã rút đại diện cuối cùng của mình khỏi Hội động quản trị của SeABank hồi giữa năm 2017.
Như vậy sau 10 năm đầu tư, ngân hàng Societe Generale (Pháp) đã âm thầm rút vốn đầu tư khỏi SeABank. Việc rút vốn khỏi SeaBank được giới tài chính đánh giá là do bản thân hoạt động nội tại của SeaBank, hiệu quả hoạt động thấp. 
Hồi đầu tháng 2/2018, một cổ đông lớn khác của SeABank là Tổng công ty Viễn thông Mobifone cũng đã bán thành công toàn bộ hơn 33,4 triệu cổ phần, tương đương 6,11% cổ phần của ngân hàng này. Với giá bình quân 9.978 đồng mỗi cổ phần, Mobifone thu về 333,5 tỷ đồng từ đợt bán vốn này.
Societe Generale là một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất châu Âu. Hoạt động  theo mô hình ngân hàng toàn cầu. Societe Generale đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế trong suốt 150 năm qua. Với hơn 148.000 nhân viên, có trụ sở tại 76 quốc gia, tập đoàn có 32 triệu khách hàng trên toàn thế giới. 

Sức ép cân đối vốn khối ngân hàng thương mại nhà nước



Mức vốn điều lệ của khối 7 ngân hàng thương mại nhà nước chỉ tăng được 0,08% năm qua...



Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật dữ liệu thống kê một số chỉ tiêu cơ bản của hệ thống các tổ chức tín dụng chốt năm 2018. Sức ép cân đối vốn với quy mô tổng tài sản tiếp tục thể hiện ở khối ngân hàng thương mại nhà nước.
Theo dữ liệu trên, tính đến 31/12/2018, tổng tài sản của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã vượt mốc 11 triệu tỷ đồng, đạt 11.064.239 tỷ đồng, tăng 10,62% so với cuối năm 2017.
Trong đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước chiếm tỷ trọng lớn, với 4.863.353 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 6,42% so với cuối 2017.
Sức ép cân đối vốn thể hiện, trong khi quy mô tổng tài sản tiếp tục tăng đáng kể và chiếm thị phần lớn trong hệ thống thì vốn điều lệ của khối này gần như không tăng. Đây cũng là điểm hạn chế sức tăng trưởng trước mắt các chỉ tiêu kinh doanh nói chung ở khối này.
Năm qua, quy mô vốn điều lệ của khối ngân hàng thương mại nhà nước chỉ tăng được 0,08%, đạt 147.890 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2018, quy mô vốn tự có của khối này cũng đã tăng được 5,48%, đạt 268.599 tỷ đồng.
Cả quy mô vốn điều lệ và vốn tự có của khối ngân hàng thương mại nhà nước đến cuối 2018 đều thấp hơn nhiều so với khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nhưng lại đang chiếm tỷ trọng và quy mô tổng tài sản lớn hơn.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của khối ngân hàng thương mại nhà nước chỉ ở mức 9,52% vào cuối 2018, thấp hơn nhiều so với mức 11,24% của khối cổ phần.
Cũng theo thống kê trên, đến cuối 2018, khối ngân hàng thương mại cổ phần (không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối) có quy mô tổng tài sản 4.554.977 tỷ đồng, tăng 13,07% so với cuối 2017.
Cả quy mô vốn tự có và vốn điều lệ của khối cổ phần này đều tăng khá mạnh năm qua, đặc biệt ở tốc độ tăng vốn điều lệ, và cùng có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng tổng tài sản.
Chốt năm 2018, khối ngân hàng thương mại cổ phần có 338.183 tỷ vốn tự có, tăng 16,36%; 267.234 tỷ vốn điều lệ, tăng tới 24,42%.
Ở một kết quả chung, cũng như từng bước thực hiện chủ trương siết lại, đến cuối năm 2018 tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của hai khối trên đều được kiểm soát quanh 30% và mức bình quân toàn hệ thống ở 28,41%.
Theo phân nhóm thống kê của Ngân hàng Nhà nước, khối ngân hàng thương mại nhà nước bao 7 thành viên: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu và Ngân hàng Đại Dương.

Xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng tại thời điểm xét xử sơ thẩm

Xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng tại thời điểm xét xử sơ thẩm
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm; trong đó, quy định cụ thể về xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng tại thời điểm xét xử sơ thẩm.
Theo đó, tại thời điểm xét xử sơ thẩm, lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng xác lập trước ngày 01/01/2017 được xác định như sau:
a- Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả được xác định theo lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất áp dụng cho hợp đồng tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất tương ứng với thời hạn vay chưa trả.
b- Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng phải phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất áp dụng cho hợp đồng tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng.
Tại thời điểm xét xử sơ thẩm, lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng xác lập kể từ ngày 01/01/2017 được xác định như sau:
a- Lãi trên nợ gốc, lãi trên nợ gốc quá hạn được xác định theo quy định trên.
b- Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi trên nợ gốc theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất giới hạn mà pháp luật quy định tương ứng với thời gian chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn.
Thời điểm chậm trả tiền nợ gốc bắt đầu kể từ ngày chuyển nợ quá hạn đến thời điểm xét xử sơ thẩm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc bắt đầu kể từ ngày tiếp theo liền kề của ngày phải trả lãi trên nợ gốc đến thời điểm xét xử sơ thẩm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2019.

Báo cáo tình hình người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam

Báo cáo tình hình người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam
Ngày 12.3, thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết đã có văn bản gửi các tỉnh, thành trực thuộc trung ương yêu cầu báo cáo tình hình sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài và Việt kiều.
Theo đó, việc báo cáo này thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong việc theo dõi, quản lý tình hình sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo Điều 79 Nghị định 99/2015 hướng dẫn luật Nhà ở.
Hiện Bộ Xây dựng cũng đang được Chính phủ giao xây dựng đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó có đánh giá việc thực hiện chính sách sở hữu nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Các nội dung báo cáo sẽ thực hiện theo 2 giai đoạn, trước và sau thời điểm luật Nhà ở 2014 có hiệu lực. Nội dung báo cáo thể hiện tổng số tổ chức, cá nhân đã mua và sở hữu nhà, địa điểm mua.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải đánh giá việc công bố các dự án không được phép, được phép bán nhà cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Việc theo dõi, cập nhật đăng tải các thông tin về mua bán nhà của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương báo cáo các khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị liên quan đến chính sách cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà tại Việt Nam.
Trước đó, Công CBRE Việt Nam đã đưa ra một báo cáo cho thấy chỉ riêng tại thị trường TP.HCM, số người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chiếm đến 76% giao dịch trên thị trường 9 tháng đầu năm 2018. Trong đó, khách Trung Quốc chiếm đến 31%, kế đến là Hàn Quốc chiếm 19% và Hồng Kông chiếm 10%...

Monday, March 11, 2019

Quỹ đầu tư 1 nghìn tỷ USD của Na Uy cắt giảm nắm giữ cổ phiếu dầu khí



Na Uy là một trong những nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới...


Quỹ đầu tư lợi ích quốc gia (sovereign wealth fund) có quy mô 1 nghìn tỷ USD của Na Uy đang chuẩn bị cắt giảm nắm giữ cổ phiếu ngành dầu khí.
Theo tin từ trang CNN Business, Chính phủ Na Uy ngày 8/3 tuyên bố rằng quỹ đầu tư lợi ích quốc gia của nước này sẽ giảm dần đầu tư trong các công ty thăm dò và khai thác dầu khí như Chesapeake Energy của Mỹ và CNOOC của Trung Quốc. Tuy nhiên, quỹ này sẽ tiếp tục đầu tư vào các công ty dầu khí đang đẩy mạnh việc phát triển mảng năng lượng tái sinh như BP và Shell.
Mục đích của việc cắt giảm nắm giữ cổ phiếu dầu khí nói trên là "giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sự thịnh vượng chung của quốc gia từ sự đi xuống kéo dài của giá dầu" - Bộ trưởng Bộ Tài chính Na Uy, ông Siv Jensen, nói trong một tuyên bố.
Dữ liệu của Bộ Tài chính Na Uy cho thấy quỹ đầu tư lợi ích quốc gia của nước này hiện đang đầu tư khoảng 66 tỷ Krone, tương đương 7,5 tỷ USD, vào cổ phiếu các công ty thăm dò và khai thác dầu khí. Khoản đầu tư này chiếm khoảng 1,2% tổng giá trị danh mục của quỹ.
Na Uy là một trong những nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới. Trong 2 thập kỷ qua, tiền thu về từ xuất khẩu dầu khí đã được Na Uy rót vào quỹ đầu tư lợi ích quốc gia để tạo nguồn cho lương hưu và các khoản chi khác của Chính phủ.
Tuyên bố của Chính phủ Na Uy nói rằng quyết định giảm nắm giữ cổ phiếu dầu khí được đưa ra dựa trên những lý do về tài chính và không phản ánh quan điểm của nước này về giá dầu hay sự bền vững của ngành công nghiệp dầu lửa.
Tuy nhiên, tuyên bố cũng thừa nhận rằng biến đổi khí hậu là "một nhân tố rủi ro quan trọng" đối với quỹ đầu tư lợi ích quốc gia Na Uy. Tuyên bố nói Chính phủ nước này sẽ đề nghị các nhà quản lý của quỹ rà soát lại cách thức quản lý rủi ro khí hậu.
Giới phân tích nói rằng động thái trên của Chính phủ Na Uy là một cột mốc quan trọng. "Quyết định ngày hôm nay của quỹ đầu tư quốc gia Na Uy thậm chí có ảnh hưởng còn lớn hơn cả khi họ giảm đầu tư vào cổ phiếu than vào năm 2015", ông Mark Campanale, Giám đốc điều hành (CEO) của Carbon Tracker - một tổ chức nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với đầu tư - nhận xét.
"Động thái này cho thấy, dù được xây dựng dựa trên dầu thô và khí đốt, quỹ đầu tư của Na Uy hiểu rằng tương lai sẽ thuộc về những người dịch chuyển khỏi nhiên liệu hóa thạch", ông Campanale nói thêm.
Ý tưởng giảm đầu tư vào cổ phiếu dầu khí được các nhà quản lý của quỹ đầu tư lợi ích quốc gia Na Uy đưa ra lần đầu vào năm 2017, sau khi ngân sách của nước này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm của giá dầu.
Theo báo cáo thường niên của quỹ này, cổ phiếu hiện chiếm khoảng 2/3 các khoản đầu tư của quỹ. Trong đó, quỹ nắm cổ phiếu của khoảng 9.000 công ty trên toàn thế giới, và nắm nhiều nhất cổ phiếu của Microsoft, Apple và Alphabet - công ty mẹ của công cụ tìm kiếm Google.
Khoảng 30% tài sản của quỹ được đầu tư vào trái phiếu, và khoảng 3% nằm ở các bất động sản chưa niêm yết, bao gồm những bất động sản tọa lạc tại các vị trí đắc địa ở London, Paris và San Francisco.

Lo mắc nợ, nhiều nước hủy dự án trong “Vành đai và Con đường”



Từ tháng 4/2018 đến nay, nhiều dự án trong khuôn khổ "Vành đai và Con đường" đã bị hoãn, đình chỉ hoặc thậm chí là hủy...


Một số quốc gia đã giảm quy mô hoặc hủy các dự án thuộc sáng kiến mang tên "Vành đai và Con đường", trong bối cảnh có những lo ngại ngày càng lớn liên quan đến chiến lược xuyên lục địa do Bắc Kinh khởi xướng.
Theo thông tin từ CNBC, mấy tháng gần đây, Pakistan, Malaysia, Myanmar, Bangladesh và Sierra Leone đã hủy hoặc rút lui khỏi các dự án đã được đàm phán trước đó trong khuôn khổ "Vành đai và Con đường". 
Lý do được đưa ra cho các động thái này là lo ngại về chi phí cao và ảnh hưởng đối với nợ quốc gia cũng như nền kinh tế.
Sáng kiến "Vành đai và Con đường" được xem là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng kinh tế trên phạm vi toàn cầu thông qua việc xây dựng các mắt xích giao thông là cảng biển và đường bộ nối từ Á, qua Trung Đông và châu Phi tới châu Âu. 
Một số nhà phê bình xem sáng kiến này còn là một phương tiện để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng về quân sự và chính trị, đồng thời tìm kiếm cơ hội kinh doanh cho các công ty của nước này.
Với lượng vốn dồi dào, các công ty quốc doanh Trung Quốc mời chào các nước tham gia "Vành đai và Con đường" những khoản vay ưu đãi để xây dựng những dự án quy mô lớn như cảng biển và đường sắt.
Những thỏa thuận này thường được đàm pháp ở cấp chính phủ-chính phủ, với lãi suất cho vay dưới mức thị trường, nhưng nhiều nước vẫn lo ngại về khối nợ mà họ vướng vào.
Từ tháng 4/2018 đến nay, nhiều dự án trong khuôn khổ "Vành đai và Con đường" đã bị hoãn, đình chỉ hoặc thậm chí là hủy "do sự hoài nghi và phản đối" - theo một báo cáo hồi tháng 8 của The Economist Intelligence Unit.
Mới tuần này, có tin Pakistan hồi tháng 12 đã đề nghị Bắc Kinh hoãn một dự án nhiệt điện trị giá 2 tỷ USD. Trước đó, vào tháng 10, Pakistan tuyên bố sẽ giảm số vốn vay từ Trung Quốc cho các dự án đường sắt từ 8,2 tỷ USD xuống còn 6,2 tỷ USD.
Chính phủ Myanmar cũng giảm chi phí cho một dự án cảng nước sâu do Trung Quốc cấp vốn ở bang Rakhine từ 7,3 tỷ USD xuống còn 1,3 tỷ USD, với lý do quy mô ban đầu của dự án có thể đẩy Myanmar vào tình trạng nợ đầm đìa.
Sierra Leone, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi, đã hủy dự án xây dựng một sân bay trị giá 318 triệu USD với một công ty Trung Quốc. Malaysia thì đã dừng một loạt dự án do Trung Quốc cấp vốn, với tổng trị giá 22 tỷ USD.
Đầu năm ngoái, Bangladesh hủy dự án mở rộng một con đường cao tốc mà dự kiến sẽ do China Harbour Engineering Company đảm nhận, sau khi công ty Trung Quốc này bị nghi đưa hối lộ một quan chức Chính phủ Bangladesh. 
Trong khi đó, Tanzania tiến hành đàm phán lại với Bắc Kinh về một dự án cảng biển 11 tỷ USD.
Nhiều nước tham gia "Vành đai và Con đường" dường như đang muốn tránh bị rơi vào tình cảnh như Sri Lanka. Năm 2017, Sri Lanka đã trao quyền kiểm soát một cảng biển chiến lược cho Trung Quốc, vì không thể trả được nợ cho các công ty Trung Quốc.

Công ty Trung Quốc rót vốn cho hầm đường sắt xuyên biển dài nhất thế giới



Dự án hầm đường sắt xuyên biển dài nhất thế giới khi hoàn thành sẽ nối giữa thủ đô của hai nước Phần Lan và Estonia...


Dự án hầm đường sắt xuyên biển dài nhất thế giới, mà khi hoàn thành sẽ nối giữa thủ đô của hai nước Phần Lan và Estonia, vừa đạt một thỏa thuận cấp vốn trị giá 15 tỷ Euro, tương đương 17 tỷ USD.
Theo hãng tin Bloomberg, đây là số vốn được cấp bởi công ty Touchstone Capital Partners của Trung Quốc và sẽ được dùng để trang trải toàn bộ chi phí của dự án. Thỏa thuận cấp vốn được công bố vào ngày thứ Sáu bởi công ty chịu trách nhiệm về dự án hầm đường sắt nói trên, Finest Bay Area Development Oy.
1/3 số vốn đầu tư này sẽ được cấp dưới dạng đầu tư cổ phần tư nhân, mang lại cho Touchstone một cổ phần thiểu số trong dự án đường hầm. 2/3 số vốn sẽ được cấp dưới dạng cho vay - theo nội dung thỏa thuận đã được hai bên ký kết.
Nối giữa Helsinki và Tallinn, hầm đường sắt xuyên biển này có chiều dài hơn 100 km, đòi hỏi phải xây dựng ít nhất một hòn đảo nhân tạo. Dự án là sáng kiến của doanh nhân người Phần Lan Peter Vesterbacka, người từng giữ cương vị Giám đốc marketing của Rovio Entertainment Oyj - công ty sản xuất game với những trò nổi tiếng như Angry Birds.
Chính phủ hai nước Phần Lan và Estonia từng tuyên bố sẽ tìm nguồn vốn trong Liên minh châu Âu (EU) cho dự án nhằm giảm nhu cầu huy động vốn tư nhân. Tuy nhiên, vốn đầu tư cho dự án này cuối cùng đã được cung cấp bởi một công ty Trung Quốc.
Theo dự kiến, số vốn mà Touchstone cam kết rót cho dự án sẽ được cung cấp thành các gói theo tiến độ dự án. Chi tiết cụ thể của hợp đồng cấp vốn dự kiến sẽ được các bên đàm phán trong 6 tháng tới.
Hiện cũng chưa rõ Touchstone đã huy động được số vốn nói trên để cấp cho dự án hay mới dừng ở cấp độ cam kết.
Hãng tin Reuters cho biết, việc Touchstone cấp vốn cho dự án hầm đường sắt xuyên biển dài nhất thế giới đưa dự án này vào khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Đây là sáng kiến nhằm kết nối Trung Quốc bằng đường bộ và đường sắt với khu vực Đông Nam và Trung Á, tới Trung Đông, châu Âu và châu Phi. Mạng lưới kết nối này sẽ chạy dọc theo các tuyến của Con đường tơ lụa cổ xưa.
Về phần mình, Phần Lan và Estonia từ nhiều năm qua đã mong muốn kết nối thủ đô của hai nước, hai thành phố nằm hai bên bờ Vịnh Phần Lan. Khi hoàn tất, dự án đường hầm sẽ giúp cắt giảm thời gian di chuyển giữa Helsinki và Tallinn xuống còn 20 phút đồng hồ, từ chỗ di chuyển bằng phà mất 2 tiếng hiện nay.

Mỹ sắp vượt Saudi Arabia để trở thành nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới

Nước Mỹ chuẩn bị vượt qua Saudi Arabia - thủ lĩnh không chính thức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - về lượng dầu xuất khẩu, trang CNN Business dẫn một báo cáo mới được công bố cho hay.

Theo báo báo từ Rystad Energy, Mỹ sẽ "soán ngôi" quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới của Saudi Arabia trong năm nay. Báo cáo này nói rằng, lượng xuất khẩu dầu thô, khí hóa lỏng và các sản phẩm hóa dầu như xăng của Mỹ trong 2019 sẽ lớn hơn của Saudi Arabia.
Cột mốc này - được thiết lập dựa trên sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực khai thác dầu đá phiến ở Mỹ những năm gần đây - sẽ đánh dấu lần đầu tiên nước Mỹ dẫn đầu thế giới về xuất khẩu dầu kể từ khi Saudi Arabia bắt đầu bán dầu cho các quốc gia khác vào đầu thập niên 1950.
"Đây sẽ là một bước tiến quan trọng", chiến lược gia về năng lượng Ryan Fitzmaurice của Rabobank nhận định. "Cách đây 10 năm, không ai nghĩ điều này có thể xảy ra".
Những cú đột phá của Mỹ trên thị trường năng lượng những năm gần đây cho thấy công nghệ đã làm thay đổi bức tranh ngành năng lượng toàn cầu như thế nào. Những sáng kiến về khoan tìm dầu đã mở ra những giếng dầu và khí đốt quy mô lớn vốn bị mắc kẹt bấy lâu trong các mỏ ở Texas, North Dakota và những vùng khác của Mỹ.
Với sự dẫn đầu của dầu đá phiến, sản lượng khai thác dầu của Mỹ đã tăng gấp hơn 2 lần trong thập kỷ qua, đạt mức cao nhất mọi thời đại. Mỹ hiện đã là nước sản xuất nhiều dầu hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, hơn cả Nga và Saudi Arabia.
"Sự bùng nổ của lĩnh vực khai thác dầu đá phiến đã dẫn tới sự gia tăng sản lượng đáng kinh ngạc", ông Fitzmaurice nhận định. "Sản lượng dầu của Mỹ hiện nay là chưa từng có tiền lệ".
Do nguồn cung dầu trong nước trở nên dồi dào, Quốc hội Mỹ vào năm 2015 đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu đã duy trì trong 40 năm trước đó. Kể từ khi lệnh cấm được dỡ, lượng xuất khẩu dầu của Mỹ liên tục tăng mạnh. Hiện nay, nhiều cơ sở đang được xây dựng ở khu vực bờ Vịnh Mexico của Mỹ để đáp ứng nhu cầu mua dầu Mỹ ngày càng lớn của khách hàng nước ngoài.
"Lượng dầu dư thừa ở Mỹ sẽ tìm được nhiều khách mua ở khu vực châu Á, nơi đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng", chuyên gia Per Magnus Nysveen của Rystad Energy viết trong bản báo cáo ra ngày 7/3.
Saudi Arabia hiện xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, cùng khoảng 2 triệu thùng khí hóa lỏng và các sản phẩm hóa dầu, theo Rystad. Trong khi đó, Mỹ xuất khẩu khoảng 3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, cộng thêm 5 triệu thùng khí hóa lỏng và các sản phẩm hóa dầu.
Rystad dự báo khoảng cách trên sẽ biến mất trong năm nay, nhưng Saudi Arabia sẽ tiếp tục giữ được vị trí nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Trung tâm trong sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực dầu đá phiến ở Mỹ nằm ở vùng Permian Basian thuộc miền Tây bang Texas. Những tiến bộ về công nghệ đã giúp cho các công ty khai thác dầu đá phiến ngày càng giảm giá thành của mỗi thùng dầu.
Exxon Mobil tuần này cho biết sản lượng dầu đá phiến tăng mạnh ở Permian Basin có thể giúp hãng đạt lợi nhuận trung bình hơn 10% từ việc khai thác loại dầu này, cho dù giá dầu có giảm về 35 USD/thùng. Exxon dự kiến đến năm 2024 sẽ sản xuất hơn 1 triệu thùng dầu/ngày ở Permian, tăng gần 80% so với hiện nay.
"Việc khai thác dầu đá phiến có lợi nhuận ngày càng cao và việc thế giới ngày càng chuộng loại dầu nhẹ và xăng sẽ giúp mang lại cho Mỹ vị thế thống lĩnh trên thị trường dầu lửa trong vài năm tới", ông Nysveen nhận xét.
Vị thế như vậy đồng nghĩa với việc Mỹ ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung dầu trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu từ nước ngoài.
Đầu năm nay, Bộ Năng lượng Mỹ dự báo nước này sẽ xuất khẩu năng lượng nhiều hơn nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2020. Đây là điều chưa từng xảy ra từ năm 1953.

Xu thế dòng tiền: Ngưỡng 1.000 điểm vì sao đáng sợ đến thế?

Tuần qua thị trường tiếp tục chứng kiến những phiên giao dịch thất bại trong nỗ lực vượt 1.000 điểm của VN-Index...

Tuần qua thị trường tiếp tục chứng kiến những phiên giao dịch thất bại trong nỗ lực vượt 1.000 điểm của VN-Index. Một lần nữa nhà đầu tư lại bán ra rất nhiều tại vùng điểm số này.
Các chuyên gia có những lý giải khác nhau về hiện tượng bán tại mốc 1.000 điểm của chỉ số. Đây là ngưỡng kháng cự có yếu tố tâm lý lẫn kỹ thuật trong một xu hướng tăng ngắn hạn đã khá mạnh kể từ đầu năm 2019. Thị trường trong quá khứ cũng đã gặp khó khăn tại ngưỡng này, kết hợp với mức tăng trưởng lợi nhuận rất khả quan trong thời gian ngắn. Tổng hợp các yếu tố đó đã dẫn đến quyết định chốt lời được đưa ra một cách dễ dàng và dứt khoát.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng một lần nữa nhấn mạnh rằng nhịp điều chỉnh xảy ra là bình thường trong chu kỳ thị trường. Ngay từ tuần trước các chuyên gia cũng đã dự đoán về khả năng này, đồng thời đặt mục tiêu ngắn hạn cho VN-Index trong khoảng 950-960 điểm. Với các diễn biến mới, kịch bản này tiếp tục có xác xuất cao sẽ xảy ra.
Đánh giá về thị trường trong ngắn hạn, các chuyên gia đều nhìn nhận khả năng dòng tiền nâng đỡ thị trường đã suy yếu. Bối cảnh thông tin nhìn chung kém tích cực và diễn biến thị trường quốc tế cũng đang xấu đi. Dòng vốn ngoại trên thị trường cũng không còn mạnh như cách đây 2 tuần. Nếu quỹ ETF nội không phát hành thêm được nữa thì sức mua sẽ còn tiếp tục giảm xuống.
Các chuyên gia đã thực hiện cắt giảm danh mục trong tuần qua và hầu hết chỉ còn duy trì tỷ trọng cổ phiếu dưới mức trung bình.
Nguyễn HoàngVnEconomy
VN-Index lần thứ 3 đã không vượt qua được mốc 1.000 điểm dù có lúc đột phá đáng kể hôm 7/3. Như vậy nguy cơ điều chỉnh như anh chị dự kiến tuần trước có chậm một chút nhưng cơ bản vẫn đúng. Như thế thị trường đã có tới hai tuần liên tục bị chốt lời mạnh. Anh chị đánh giá khả năng hấp thụ của dòng tiền như thế nào?
Tôi cho rằng dấu hiệu dòng tiền suy yếu cho thấy thị trường có thể sẽ bước vào giai đoạn tích lũy sau giai đoạn tăng kéo dài vào hai tháng đầu năm 2019, đặc biệt rủi ro ngắn hạn có chiều hướng tăng dần
NGUYỄN VIỆT QUANG
Ông Lê Hoàng TânGiám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Theo quan sát của tôi, xu hướng chốt lời diễn ra rất mạnh khi VN-Index tiệm cận vùng 1.000 điểm, đây vừa là ngưỡng kháng cự tâm lý, vừa là ngưỡng kháng cự kỹ thuật. Chính vì vậy, hành động chốt lời của nhà đầu tư khá dứt khoát và quyết đoán.
Trong khi bên bán hành động quyết đoán bao nhiêu thì bên mua lại có xu hướng lưỡng lự bấy nhiêu. Mặc dù có phiên Index bứt qua ngưỡng 1.000 điểm nhưng dòng tiền mới vào không đủ mạnh để giúp VN-Index duy trì trên ngưỡng kháng cự này.
Ông Nguyễn Hoàng ViệtBộ phận Chiến lược thị trường - Chứng khoán Vietinbank
Tôi đánh giá rằng khả năng hấp thụ của dòng tiền trên thị trường trong giai đoạn hiện tại ở mức trung bình khá. Thanh khoản và giá trị giao dịch trên thị trường nhìn chung ở mức khá ổn và chấp nhận được; quan trọng hơn là có sự cải thiện so với khoảng thời gian trước Tết.
Bên cạnh đó, một điểm tích cực là khối ngoại nhìn chung vẫn đang duy trì vị thế mua ròng trên thị trường mặc dù lực mua đã có phần chững lại. Dòng tiền tham gia vào thị trường tuy có phần thận trọng nhưng vẫn khá ổn định. 
Ngoài ra, diễn biến giao dịch ở một số nhóm cổ phiếu hoặc các cổ phiếu có câu chuyện riêng đáng chú ý vẫn đang diễn ra rất sôi nổi và nhộn nhịp.
Ông Nguyễn Việt QuangGiám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng trong tuần vừa qua khả năng hấp thụ của dòng tiền là rất tốt. Đặc biệt trong phiên ngày thứ 2 đầu tuần, với gần 6.000 tỷ rót vào thị trường, cả 3 sàn được bao trùm bởi sắc xanh nhờ sức kéo của các cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn.
Tuy nhiên dòng tiền đã có sự suy yếu nhất định khi mà trong phiên cuối tuần thanh khoản thị trường sụt giảm so với phiên trước nhưng vẫn duy trì ở mức khá cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 261 triệu cổ phiếu, trị giá 4.800 tỷ đồng.
Tôi cho rằng dấu hiệu dòng tiền suy yếu cho thấy thị trường có thể sẽ bước vào giai đoạn tích lũy sau giai đoạn tăng kéo dài vào hai tháng đầu năm 2019, đặc biệt rủi ro ngắn hạn có chiều hướng tăng dần.
Ông Trần Xuân BáchBộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Nhìn diễn biến thị trường trong tuần qua có thể thấy, dòng tiền đầu cơ vào các cổ phiếu midcap, penny, cổ phiếu mệnh giá thấp hoạt động khá sôi nổi. Trong khi đó, dòng tiền vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu vốn hóa lớn lại có phần dè dặt.
Nếu diễn biến này còn tiếp tục sẽ tạo ra rủi ro cho thị trường bởi đặc tính của dòng tiền đầu cơ là vào nhanh và rút ra nhanh. Lực cầu giá thấp ở các vùng hỗ trợ vẫn được thể hiện tích cực với việc giúp thị trường trụ vững ở các ngưỡng điểm quan trọng như 984-985 điểm và có thể sẽ là 970-980 điểm.
Trong tuần tới, lực cầu tại các vùng hỗ trợ này được kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng đỡ và giúp thị trường tạo được phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại.
Theo tôi, rủi ro điều chỉnh của thị trường đang có chiều hướng gia tăng trong ngắn hạn là bởi sự hội tụ của nhiều yếu tố. Thị trường chứng khoán thế giới đang bước vào nhịp điều chỉnh ngắn sau chuỗi thời gian hồi phục mạnh mẽ trước đó, các thông tin vĩ mô trong nước và quốc tế cũng đang được công bố với kết quả không mấy tích cực
TRẦN XUÂN BÁCH
Ông Trần Hữu PhúcTrưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
VN-Index trải qua một tuần giao dịch với nhiều diễn biến giằng co, thể hiện sự tâm lý khá bất ổn của nhiều nhà đầu tư hiện tại. Trong những phiên đầu tuần, chỉ số hồi phục tăng nhẹ với lực cầu khá ổn định sau khi đã ghi nhận phiên điều chỉnh giảm mạnh cuối tuần trước.
Bên cạnh đó, những tiến triển mới trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung cũng phần nào giúp cho tâm lý nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn. Tuy nhiên, trong những phiên cuối tuần, thông tin về sự giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như Trung Quốc xuất hiện nhiều trên các mặt báo đã khiến cho lực bán chốt lời áp đảo trên thị trường.
Mặt khác, diễn biến báo tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong phiên thứ sáu cuối tuần (8/3) khiến cho chỉ số Shanghai Composite ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây cũng phần nào gây ra áp lực tiêu cực lên các chỉ số chứng khoán của Việt Nam.
Mặc dù vậy, thanh khoản thị trường vẫn duy trì tăng trưởng tốt khi đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu được giao dịch trong tuần vừa qua trên sàn HOSE. Đóng cửa tuần giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 5,62 điểm (+0,57%) và đạt 985,25 điểm, còn HNX-Index tăng 0,96 điểm (+0,90%) lên mức mức 108,22 điểm.
Tuần này giá trị giao dịch trung bình sàn HSX đạt khoảng 3.900 tỷ đồng/phiên, giảm so với tuần trước. Một số cổ phiếu vốn hóa lớn như dòng ngân hàng, bán lẻ đều cho dấu hiệu tạo đỉnh ngắn hạn. Chỉ báo MACD cho tín hiệu bán, báo hiệu rủi ro thị trường tăng lên. Do đó nhà đầu tư nên hạn chế mua vào mới và quản trị danh mục theo hướng bán ra những cổ phiếu yếu, giữ lại cổ phiếu mạnh.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Không ít nhà đầu tư đang đặt ra câu hỏi ngưỡng 1.000 điểm là gì mà cản trở thị trường nhiều như vậy. Có lẽ câu hỏi đúng hơn là tại sao nhà đầu tư lại quyết định bán ra nhiều như vậy trong hai tuần qua và 1.000 điểm của VN-Index chỉ là sự trùng hợp. Thị trường bị bán mạnh là do hết thông tin hỗ trợ, hay cổ phiếu đã tăng đủ nhiều, hay lý do gì khác, vì những ngày cuối tuần không chỉ các blue-chips bị xả nữa, mà là rất nhiều cổ phiếu còn lại?
Ông Nguyễn Hoàng ViệtBộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank
Ngưỡng 1.000 điểm là ngưỡng cản tâm lý và đằng sau nó là một lịch sử những lần chỉ số VN-Index thất bại trong việc duy trì ngưỡng điểm này hoặc đột phá thành công. Với một lịch sử như vậy, tôi nghĩ rất có thể một dạng "phản xạ có điều kiện" đã được hình thành và do đó lại càng làm cho mức điểm này trở thành một rào cản mạnh.
Ngoài ra, tôi nghĩ rằng chắc hẳn mọi nhà đầu tư tham gia vào thị trường cũng đều đã thuộc nằm lòng những lý do khiến chỉ số VN-Index không thể vượt nổi mức 1.000 điểm do thường gặp phải áp lực bán quá lớn. Cho dù có bao nhiêu lý do đi nữa thì hầu hết đều bắt nguồn từ tâm lý sợ hãi quá mức thôi.
Ông Trần Hữu PhúcTrưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
VN Index đã hai lần gặp ngưỡng 1.000 điểm và thoái lui cho thấy lực bán tại đây khá mạnh. Trong đầu tư chứng khoán, kinh nghiệm cho thấy lịch sử luôn lặp lại do đó việc ngưỡng 1.000 điểm lần trước chưa vượt được thì nhà đầu tư sẽ lo ngại bán ra khi VN-Index sát ngưỡng mục tiêu này.
Thị trường chứng khoán thế giới tuần qua cũng bị giảm điểm do những lo ngại từ dự báo tăng trưởng toàn cầu kém cũng như số liệu về thâm hụt thường mại Mỹ cao nhất trong vòng 10 năm. Trong nước, lực bán tại các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 đã làm cho thị trường suy yếu khiến lực cầu tại các cổ phiếu Midcap và Smallcap cũng không thế thay thế được.
Ông Trần Xuân BáchBộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Theo tôi, rủi ro điều chỉnh của thị trường đang có chiều hướng gia tăng trong ngắn hạn là bởi sự hội tụ của nhiều yếu tố. Thị trường chứng khoán thế giới đang bước vào nhịp điều chỉnh ngắn sau chuỗi thời gian hồi phục mạnh mẽ trước đó, các thông tin vĩ mô trong nước và quốc tế cũng đang được công bố với kết quả không mấy tích cực.
Trong bối cảnh đó, việc Vn-Index cũng như nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường đều đang đồng loạt tiếp cận các vùng kháng cự mạnh, khiến cho lực cung chốt lời được kích hoạt trên diện rộng và tạo ra hiệu ứng tâm lý lo sợ cho nhà đầu tư trên thị trường trong những phiên cuối tuần qua.
Theo tôi diễn biến thị trường Việt nam hiện đang diễn ra khá đồng điệu với thế giới do đó nhà đầu tư cần cẩn trọng trong thời gian này khi mà xu hướng giảm ngắn hạn đang diễn ra
TRẦN HỮU PHÚC
Ông Lê Hoàng TânGiám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Nhiều cổ phiếu đã tăng gần 20% chỉ trong vòng 1 tháng, thậm chí có cổ phiếu còn tăng 30-40% thì việc chốt lời là lựa chọn sáng suốt nhất.
Ngoài ra, có sự trùng hợp khi thị trường trong nước đang "test" ngưỡng kháng cự quan trọng 1.000 điểm thì thị trường thế giới lại có chuỗi điều chỉnh liên tục 5 phiên, từ đó tạo ra tâm lý thận trọng đủ lớn để nhà đầu tư "hạn chế lòng tham" và đề cao nguyên tắc bảo toàn lợi nhuận.
Ông Nguyễn Việt QuangGiám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Trên quan điểm kĩ thuật tôi cho rằng thị trường đã tăng khoảng 16% từ vùng đáy 880 điểm do vậy một nhịp điều chỉnh là cần thiết trong giai đoạn này. Đồng thời, thị trường có thể sẽ bước vào giai đoạn tích lũy sau giai đoạn tăng kéo dài vào hai tháng đầu năm 2019, đặc biệt rủi ro ngắn hạn có chiều hướng tăng dần. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục tăng nhẹ và trong vùng 70 - 80%, đây vẫn là vùng cảnh báo thận trọng và cơ hội tìm kiếm lợi nhuấn sẽ trở nên khó khăn hơn.
Đây là thời điểm sóng kết quả kinh doanh cuối năm 2018 đã qua đi và thời điểm công bố kết quả kinh doanh quý 1 chưa tới dẫn đến không có nhiều thông tin hỗ trợ trong thời điểm này.
Nguyễn HoàngVnEconomy
Tuần trước anh chị đã đưa ra kịch bản điều chỉnh VN-Index về quanh ngưỡng 950 điểm. Lúc này thị trường chứng khoán thế giới cũng đứng trước nguy cơ điều chỉnh từ độ cao rất đáng kể. Anh chị có lo ngại yếu tố tác động bên ngoài khiến mức điều chỉnh của thị trường trong nước xấu hơn không?
Ông Trần Xuân BáchBộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Khi mà thị trường đang tiếp cận vùng kháng cự mạnh thì việc các yếu tố tiêu cực bên ngoài xuất hiện có thể là chất xúc tác giúp kích hoạt áp lực bán chốt lời ở nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường, qua đó khiến cho thị trường có thể đối mặt với nguy cơ bị bán quá đà và rơi về các vùng hỗ trợ sâu hơn dự kiến.
Thị trường đang trong chu kỳ điều chỉnh kỹ thuật thông thường, ngưỡng hỗ trợ tiếp theo vẫn được xác định tại vùng 945-950 điểm. Khả năng VN-Index sẽ tích lũy và phục hồi khi chạm tới ngưỡng này. Về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất sáng sủa vì thế không cần bi quan quá mức
LÊ HOÀNG TÂN
Ông Nguyễn Việt QuangGiám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tôi không quá lo ngại trước tác động của thị trường quốc tế đến thị trường Việt Nam khi mà trong khoảng thời gian gần đây sự tương quan giữa thị trường Việt Nam và quốc tế là rất thấp. Điểm duy nhất khiến tôi lo ngại đó là việc khối ngoại đã có dấu hiệu chững lại việc mua ròng trông những phiên gần đây.
Tôi cho rằng trong tuần tới, xu hướng mua ròng của khối ngoại có thể sẽ tiếp tục giảm dần và quay sang trạng thái bán ròng trong những phiên giao dịch tới khi các quỹ ETF không còn huy động thêm chứng chỉ quỹ và đồng USD quay trở lại đà tăng mạnh. Áp lực bán ra từ khối ngoại có thể tác động tiêu cực khá mạnh đến nhà đầu tư trong nước.
Ông Nguyễn Hoàng ViệtBộ phận Chiến lược thị trường - Chứng khoán Vietinbank
Tôi cũng không loại trừ khả năng này do tâm lý chung của toàn thị trường hiện đang khá căng thẳng và luôn ở trong tình trạng sẵn sàng bán ngay để bảo toàn vốn nếu có thêm thông tin mang tính tiêu cực. Nếu tình huống này xảy ra, có thể chúng ta sẽ phải đối mặt với các phiên hoảng loạn bán tháo, lại càng khiến thị trường giảm sâu hơn mức dự kiến.
Ông Trần Hữu PhúcTrưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Tuần qua thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ảnh hưởng khá nhiều từ thị trường thế giới. Thế giới giảm đồng thời việc khối ngoại tham gia thị trường ở mức thấp, cùng với việc mua bán đan xen chấm dứt đà mua ròng liên tục trước đó, cũng làm cho thị trường mất đi đà tăng trưởng.
Theo tôi diễn biến thị trường Việt nam hiện đang diễn ra khá đồng điệu với thế giới do đó nhà đầu tư cần cẩn trọng trong thời gian này khi mà xu hướng giảm ngắn hạn đang diễn ra.
Ông Lê Hoàng TânGiám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Hiện tại thị trường đang trong chu kỳ điều chỉnh kỹ thuật thông thường, ngưỡng hỗ trợ tiếp theo vẫn được xác định tại vùng 945-950 điểm. Khả năng VN-Index sẽ tích lũy và phục hồi khi chạm tới ngưỡng này. Về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất sáng sủa vì thế không cần bi quan quá mức.
Tâm lý chung của toàn thị trường hiện đang khá căng thẳng và luôn ở trong tình trạng sẵn sàng bán ngay để bảo toàn vốn nếu có thêm thông tin mang tính tiêu cực. Nếu tình huống này xảy ra, có thể chúng ta sẽ phải đối mặt với các phiên hoảng loạn bán tháo, lại càng khiến thị trường giảm sâu hơn mức dự kiến
NGUYỄN HOÀNG VIỆT
Nguyễn HoàngVnEconomy
Tuần qua đúng là có nhiều cơ hội chốt lời ngắn hạn rất tốt. Anh chị đã giảm tỷ trọng về mức cân bằng, tuần qua có tiếp tục chốt lời hay không, mức nắm giữ còn bao nhiêu?
Ông Nguyễn Việt QuangGiám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tỷ trọng danh mục đầu tư ngắn hạn tôi nắm giữ ở mức 65% cổ phiếu và 35% tiền mặt. Tôi tập trung cơ cấu chốt lời dần danh mục ngắn hạn của mình. Tỷ trọng danh mục đầu tư trung hạn ở mức 41% cổ phiếu và 59% tiền mặt.
Ông Trần Xuân BáchBộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi tiếp tục giảm mức nắm giữ cổ phiếu trong tuần qua. Tỷ trọng danh mục tổng của tôi hiện ở mức 35% cổ phiếu.
Ông Lê Hoàng TânGiám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Tôi cũng như bao nhà đầu tư khác là chọn hành động chốt lời. Mức nắm giữ hiện tại vào khoảng 50% cổ phiếu bằng tiền mặt.
Ông Nguyễn Hoàng ViệtBộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank
Tạm thời thì tôi đã chốt lời một phần danh mục của mình và hạ bớt tỷ trọng danh mục xuống còn 45%.
Ông Trần Hữu PhúcTrưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu cho thấy những dấu hiệu đi vào giai đoạn điều chỉnh giảm để tích lũy lại sau nhịp tăng kể từ sau kỳ nghỉ tết Âm lịch.
Việc đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo giảm tốc và thêm vào đó là việc chỉ số VN Index liên tiếp thất bại trong việc chinh phục ngưỡng kháng cự 1.000 điểm đang làm cho tâm lý nhà đầu tư dần thận trọng hơn.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên chốt lời ngắn hạn các cổ phiếu đã đạt kỳ vọng về lợi nhuận nhằm bảo toàn thành quả từ đợt tăng điểm vừa qua và quan sát thêm diễn biến thị trường trong những phiên tới trước khi giải ngân trở lại. Tỷ lệ cổ phiếu khoảng 50% danh mục sẽ là mức an toàn trong giai đoạn thị trường thiếu vắng thông tin.

Đánh giá sàn PrimeXBT mới nhất 2020 | Prime XBT Review

  Tổng quan sàn và thông tin pháp lý Prime XBT  (www. primexbt.com )là một sàn giao dịch tiền điện tử đến từ Seychelles, ra mắt thị trường t...